Xin chào Quý khách. Hệ thống không nhận diện được thuê bao. Vui lòng truy cập bằng 3G hoặc Đăng nhập tại đây

10 loại vắc xin tất cả người lớn đều cần

4159
Phác đồ tiêm chủng của trẻ cũng được phổ biến khá rộng rãi và có rất nhiều điểm tiêm chủng dành cho trẻ em. Ngược lại, vấn đề tiêm ngừa cho người lớn hình như ít được quan tâm hơn. Có lẽ mọi người có suy nghĩ chỉ có trẻ nhỏ mới cần được tiêm vắc xin.

Có thể bạn quan tâm:

Trung bình mỗi ngày khoa Nhi BV. Nguyễn Tri Phương  tiếp nhận và chích ngừa cho khoảng 100 lượt trẻ. Điều đáng nói, hầu hết đều trong độ tuổi dưới 5 tuổi, trẻ lớn và người trưởng thành rất ít.

Khoảng tháng 7/2016, chỉ trong vòng 1 tháng, một ổ dịch bạch hầu tại Bình Phước đã bùng phát và đã khiến 3 người tử vong và 28 người nhập viện cấp cứu. Sau đó đầu năm 2017, một ổ dịch bạch hầu khác cũng được phát hiện tại Quảng Nam làm 2 người chết. Điều đáng nói là bệnh này hoàn toàn có thể ngừa được  bằng cách tiêm vắc xin.

Theo Parents, hàng năm, thế giới ghi nhận có hơn 600.000 người lớn chết vì các bệnh vốn có thể phòng tránh bằng vắc xin.

Vắc xin không những bảo vệ bạn mà còn bảo vệ những người chung quanh bạn. Vắc xin giúp mỗi cá nhân được chích ngừa không mắc các bệnh truyền nhiễm, đồng thời cũng giúp những người chưa được tiêm ngừa bằng cách tạo ra “cộng đồng miễn dịch”. Khi hầu hết mọi người trong cộng đồng được chủng ngừa, cơ hội bộc phát dịch bệnh sẽ giảm đi đáng kể. Điều này bảo vệ những người dễ bị bệnh như trẻ còn quá nhỏ chưa thể chủng ngừa, những người đang được hóa trị liệu, người già và một số người không thể được chủng ngừa vì điều kiện sức khỏe. TS. Anita Chandra-Puri, phát ngôn viên của Viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ, đồng thời là bác sĩ nhi khoa tại Hiệp hội Y khoa Northwestern ở Chicago, cho rằng: “Khi người lớn được tiêm chủng, nó có thể kiềm chế sự lây lan của bệnh sang trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - những trường hợp còn quá nhỏ để có thể tiêm vắc xin hoặc chưa được bảo vệ đầy đủ”.

Người ta ước tính mỗi năm vắc xin giúp ngăn ngừa được 2 - 3 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.

10-loai-vacxin-tat-ca-nguoi-lon-deu-can-1

1. Vắc xin cúm

Mỗi năm có khoảng 40.000 người chết vì bệnh cúm. Trẻ sơ sinh có thể bắt đầu tiêm ngừa cúm từ 6 tháng tuổi. Nhưng trước đó, trẻ đặc biệt dễ bị tổn thương bởi loại virút chết người này. Phụ nữ mang thai cũng dễ gặp các biến chứng củacảm cúmhơn là các triệu chứng thông thường.

CDC (Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ) và các chuyên gia về cúm đề nghị, mỗi người nên tiêm ngừa 1 liều vắcxin cúm mỗi năm. Tại sao? Vì vắc xin mỗi năm được dựa trên 3 hoặc 4 chủng virút cúm có nguy cơ lây lan vào mùa đó. Bạn có thể tiêm vắc xin cúm bất cứ lúc nào trong suốt mùa cúm, tốt nhất tiêm trước khi mùa cúm bắt đầu khoảng 1 tháng.

Những đối tượng sau càng cần phải được chích ngừa cúm:

- Người lớn từ 50 tuổi trở lên.

- Người sống ở nhà dưỡng lão.

- Người có bệnh tim phổi mạn tính như: hen phế quản, COPD, bao gồm trẻ bị hen suyễn.

- Người lớn hay trẻ em bị các bệnh đái tháo đường hay thận mạn tính.

- Người lớn hay trẻ em bị nhiễm HIV hay được ghép tạng.

- Trẻ từ 6 tháng đến 18 tuổi phải dùng aspirin lâu ngày.

- Phụ nữ có thai trong giai đoạn có mùa cúm.

- Những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao như: nhân viên y tế, người sống chung với người có nguy cơ bị biến chứng do cúm cao.

- Những người tiếp xúc thường xuyên với trẻ dưới 6 tháng tuổi, những người làm giúp việc gia đình

 

2. Vắc xin uốn ván và bạch hầu (TD) hoặc bạch hầu, ho gà, uốn ván (TdAP hay DTAP)

Tiêm ngừa giúp bạn chống lại bệnh uốn ván (một căn bệnh gây ra do nhiễm trùng bởi vi khuẩn), bạch hầu (nhiễm trùng đường hô hấp) và ho gà.

Vi khuẩn gây ra uốn ván xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hoặc các vết đứt. Uốn ván có thể dẫn đến co thắt, co cứng cơ hoặc cứng hàm nghiêm trọng, khiến bạn không thể mở miệng hoặc nuốt và một số trường hợp có thể gây tử vong.

Một mũi tiêm 3 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván) hoặc loại 2 trong 1 (bạch hầu - uốn ván) nhắc lại mỗi 10 năm có thể giúp bạn phòng uốn ván. Với các bà mẹ mang thai, để phòng uốn ván khi sinh, hãy tuân thủ đúng lịch tiêm phòng uốn ván được khuyến cáo cho bà mẹ mang thai.

Trẻ sơ sinh đặc biệt dễ mắc bệnh trong 6 tuần đầu tiên bởi chúng không đủ tuổi chủng ngừa. Liều TD bổ sung được khuyến cáo tiêm lại mỗi 10 năm nhưng TdAP chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất.

Tiêm phòng vắc xin uốn ván, bạch hầu và ho gà kết hợp nếu trong độ tuổi từ 19 - 64. Hoặc bạn đã tiêm chủng ngừa uốn ván mũi cuối cùng đã hơn 10 năm trước đây. Hoặc bạn có một vết thương dễ bị viêm nhiễm và vắc xin uốn ván bạn đã tiêm cách đây 5 năm trở lên.

 

3. Vắc xin trái rạ (thủy đậu)

10-loai-vacxin-tat-ca-nguoi-lon-deu-can-2Người lớn bị trái rạ có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng, thậm chí tử vong. Ảnh minh hoạ

Người lớn và trẻ em đều có thể mắc thủy đậu - thậm chí tử vong vì những biến chứng của căn bệnh này như: viêm phổi, nhiễm trùng não, xương, da và mạch máu.

Trước khi loại vắc xin này được sử dụng ở Mỹ vào năm 1995, mỗi năm có khoảng 100 người chết và hơn 11.000 người phải nhập viện vì thủy đậu. Thậm chí trẻ em bị nhẹ cũng đã phải nghỉ học tới 6 ngày.

Người lớn bị trái rạ có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng, nhập viện và tử vong. Ví dụ, viêm phổi do trái rạ xảy ra ở phụ nữ mang thai sẽ rất nghiêm trọng và là trường hợp cấp cứu. Nếu không điều trị, hầu hết phân nửa trong số họ sẽ tử vong. Nếu bị trái rạ bạn sẽ có nguy cơ bị zona (bịnh giời leo), do đó, vắc xin trái rạ có thể giúp bạn phòng bệnh zona phần nào. Vắc xin cũng giúp làm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, đặc biệt ở những người có cơ địa dễ mắc bệnh nhưng không thể tiêm vắc xin như phụ nữ mang thai. Từ 13 tuổi trở lên, nên tiêm hai liều vắc xin cách nhau từ 4 - 8 tuần.

 

4. Vắc xin ngừa zona, đặc biệt cho người trên 60 tuổi

Loại virút khiến bạn bị thủy đậu khi còn nhỏ có thể tái hoạt động và gây ra zona ở tuổi trưởng thành. Hầu hết những người trên 60 tuổi, có xuất hiện mụn nước và đau do zona có thể gây tổn thương mắt và gây ra chứng đau sau zona. Nếu bạn có những mụn nước này, bạn cũng có thể lây nhiễm thủy đậu cho người khác. Theo khuyến cáo, những người trên 60 tuổi nên tiêm một liều vắc xin để phòng zona.

 

5. Vắc xin HPV cho nam giới và phụ nữ

HPV là loại virút lây truyền qua đường tình dục. Vắc xin HPV giúp chống lại một số týp HPV gây ra hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và nhiều trường hợp ung thư họng ở nam giới. Vắc xin này có thể phòng hầu hết những mụn cóc ở cả nam và nữ. Nên tiêm vắc xin sớm cho những trẻ từ 9 tuổi, nhưng những người lớn trẻ tuổi, đặc biệt là nếu chưa quan hệ tình dục cũng có thể tiêm vắc xin. Vắc xin HPV được tiêm cho cả nam và nữ đến 26 tuổi.

Vắc xin được tiêm làm 3 liều:

 

6. Vắc xin ngừa viêm màng não do não mô cầu

10-loai-vac-xin-tat-ca-nguoi-lon-deu-can-3Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là một loại viêm màng não hết sức nguy hiểm

Ở Việt Nam, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều nơi, trước kia có thể gây thành dịch, tuy nhiên hiện nay bệnh chỉ xuất hiện rải rác trong năm.

Hiện nay, có một số loại vắc xin có thể bảo vệ bạn khỏi một số loại viêm màng não do não mô cầu. Ở một số nước, ví dụ như Mỹ,vắc xin thường được khuyến cáo tiêm cho người trong độ tuổi từ 11 - 18, học sinh - sinh viên, và những người từ 19 - 21 tuổi cũng cần được tiêm vắc xin. Bạn cũng có thể được khuyến cáo tiêm vắc xin nếu có kế hoạch du lịch đến một quốc gia là nơi có dịch não mô cầu lưu hành, hoặc một số nước bắt buộc phải chủng ngừa, hoặc bạn đã bị cắt bỏ lá lách hoặc nếu bạn có các bệnh mãn tính khác.

Vắcxin được tiêm 1 hoặc nhiều liều.

 

7. Vắc xin ngừa viêm gan B

Trong số những người nhiễm viêm gan b, nhiều người thậm chí còn không biết mình mắc bệnh. Người mẹ nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm sang trẻ khi sinh ra.

Viêm gan B có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch cơ thể của người bị nhiễm, ví dụ như quan hệ tình dục không được bảo vệ hoặc sử dụng vật dụng cá nhân của người khác, chẳng hạn như dao cạo râu. Dùng chung bơm kim tiêm với người bị nhiễm virút khi tiêm thuốc cũng có thể bị lây nhiễm viêm gan B. Viêm gan B có thể dẫn đến những tổn thương gan nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan, và thậm chí là tử vong.

WHO khuyến cáo rằng để có thể giảm tỉ lệ mắc viêm gan B ở trẻ 5 tuổi xuống thấp hơn 1%, tiến tới loại trừ bệnh viêm gan B thì cùng với việc duy trì tỉ lệ tiêm 3 mũi vắc xin viêm gan B đạt trên 90%, tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh phải đạt trên 65%.

 

8. Vắc xin ngừa viêm gan A

Bạn có thể bị nhiễm một trong các virút viêm gan mà không hề biết. Những yếu tố nguy cơ lây nhiễm viêm gan A là qua đường ăn uống hoặc qua đường tình dục đồng giới ở phái nam. Một người bị nhiễm viêm gan A cũng có thể lây cho người khác nếu không rửa tay sau khi đi vệ sinh.

Bạn nên tiêm thuốc chủng ngừa viêm gan A nếu bạn có một rối loạn đông máu, hoặc bệnh gan mãn tính. Bạn là một người đàn ông có quan hệ tình dục với người đàn ông khác, chích ma túy bất hợp pháp hoặc có quan hệ tình dục với một người nào đó. Bạn là nhân viên y tế chăm sóc những người bệnh VG,  có thể tiếp xúc với virút trong phòng thí nghiệm, hoặc bạn đi du lịch hoặc làm việc trong môi trường mà nhiều người nhiễm bệnh viêm gan A.

Tiêm 2 mũi cách nhau 6 tháng.

 

9. Vắc xin ngừa viêm phổi

Phế cầu khuẩn gây ra các bệnh nhiễm trùng tai, mũi, họng, viêm phổi,viêm tai giữa, viêm màng não và nhiễm trùng máu. Có 60% trẻ khỏe mạnh dưới 5 tuổi có phế cầu ở vùng hầu họng. Vì một nguyên nhân nào đó làm sức đề kháng suy giảm thì những vi khuẩn có sẵn sẽ tấn công cơ thể và gây bệnh. Một con đường lây truyền bệnh khác là tiếp xúc với các hạt nước bọt, dịch mũi… nhỏ li ti do người bệnh hắt hơi, ho… lẫn vào không khí.

Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh phế cầu khuẩn, nhưng một số trường hợp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như:

- Người từ 65 tuổi trở lên.

- Trẻ em dưới 2 tuổi.

- Người có suy giảm hệ thống miễn dịch.

- Người hút thuốc lá.

Những người mắc bệnh phế cầu khuẩn có tỉ lệ tử vong do viêm phổi là 5%, nhiễm trùng huyết 20%, và viêm màng não là 30%.

Đây là căn bệnh nhiễm trùng phổi nghiêm trọng, chiếm 15 - 50% trong các ca viêm phổi, nhất là nhóm người có vấn đề về phổi, gan, tim và thận cũng như nhóm có suy giảm hệ thống miễn dịch. Viêm phổi do phế cầu có thể nghiêm trọng và gây tử vong, nó lấy đi tính mạng của khoảng 50.000 người lớn mỗi năm.

Vắc xin phòng phế cầu cho người lớn có thể bảo vệ bạn khỏi hầu như tất cả các loại phế cầu có thể gây ra viêm phổi, nhiễm trùng huyết và viêm màng não.

Đối tượng cần được tiêm vắc xin:

- Người trên 65 tuổi.

- Người từ 2 - 64 tuổi có các vấn đề về sức khỏe như:

- Bệnh tim mạch.

- Bệnh phổi, suyễn.

- Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.

- Nghiện rượu.

- Bệnh gan mãn tính.

- Rò dịch não tủy hay cấy ốc tai.

- Người từ 2 - 64 tuổi có uống thuốc làm giảm sức đề kháng của cơ thể như:

- Sử dụng corticoid dài ngày.

- Thuốc trị ung thư.

- Xạ trị.

- Người từ 19 - 64 tuổi có:

- Hút thuốc

 

10. Vắc xin 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella)

3 bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ: sởi, quai bị, rubella (viết tắt là MMR) có thể diễn tiến nặng ở người lớn tuổi.

Sởi là một bệnh dễ lây và có thể lây lan nhanh trong cộng đồng chưa được tiêm phòng. Trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai có nguy cơ bị sởi cao vì họ không thể tiêm ngừa. Cả ba loại virút sởi - quai bị - rubella (còn gọi là bệnh sởi Đức) đều có thể gây sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh.

Quai bị là một bệnh lây nhiễm và đặc trưng bởi sưng tuyến nước bọt mang tai. Ở người lớn, quai bị thường gây ra các biến chứng như viêm màng não và sưng đau tinh hoàn và buồng trứng, là 1 trong những nguyên nhân gây vô sinh.

Rubella có thể lây truyền qua không khí nên rubella đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai. Nó có thể gây sảy thai, sinh non và hội chứng rubella bẩm sinh bao gồm một nhóm những dị tật nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh. Hầu hết những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm phòng Rubella. Nếu bạn chưa tiêm vắc xin nhưng bạn đang có kế hoạch mang thai, tốt nhất nên tiêm vắc xin và chờ sau 4 tuần rồi mới bắt đầu mang thai. Nếu bạn đã mang thai và chưa tiêm vắc xin rubella, hãy chờ sau khi sinh con rồi mới tiêm vắc xin.

Nếu bạn chưa từng bị mắc bệnh, bạn vẫn có nguy cơ cao nhiễm virút bệnh này. Chỉ 1 - 2 mũi vắc xin MMR sẽ ngừa được cả 3 bệnh đó.

 

Người lớn trưởng thành thường đã có kháng thể để chống lại một số tác nhân gây bệnh do chúng ta đã từng tiếp xúc với các nguyên nhân này nhưng không bị bệnh hoặc đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tác nhân gây ra những bệnh nguy hiểm mà chúng ta có khả năng phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin. Vì thế, người lớn cũng cần phải tiêm ngừa một số vắc xin để ngừa các bệnh như: viêm gan siêu vi, viêm màng não do não mô cầu, viêm phổi do phế cầu, cúm, Rubella, trái rạ…

Hơn nữa, có ít nhất 10% số người đã được tiêm ngừa lúc nhỏ cần được tiêm nhắc lại vì hiệu lực bảo vệ của vắc xin giảm theo thời gian như bệnh uốn ván ở người trưởng thành, bệnh bạch hầu ho gà, thủy đậu…

 

BS. Cao Hoài Nhân/Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Theo Báo Sức khoẻ & Đời sống

Tin liên quan