Xin chào Quý khách. Hệ thống không nhận diện được thuê bao. Vui lòng truy cập bằng 3G hoặc Đăng nhập tại đây

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu

2059
Khi có những biểu hiện của bệnh bạch hầu, nếu không được xử trí và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm và bệnh nhân có thể tử vong.

Có thể bạn quan tâm:

Có 2 loại biến chứng: biến chứng do màng giả lan rộng và biến chứng do độc tố gây nên.

Trường hợp bệnh bạch hầu mà chẩn đoán và điều trị muộn thì màng giả phát triển và lan nhanh xuống phía dưới thanh - khí phế quản sẽ gây tắc nghẽn đường hô hấp. Nếu cấp cứu không kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.

Hai biến chứng nổi bật gây ra bởi độc tố của bệnh bạch hầu là viêm cơ timbiến chứng thần kinh, ít gặp hơn là hoại tử ống thận cấp gây suy thận, viêm phổi, viêm nội tâm mạc, ...

Biến chứng tim mạch: Viêm cơ tim do nhiễm độc thường xảy ra vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 của bệnh, có thể xảy ra ở cả hai trường hợp bạch hầu nặng và nhẹ, nhất là khi có tổn thương tại chỗ lan rộng và khi có sự trì hoãn trong chỉ định kháng độc tố. Tỷ lệ viêm cơ tim là 10% - 25%. Tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim là 50% - 60%. Viêm cơ tim có thể xuất hiện rất sớm vào những ngày đầu tiên của bệnh hoặc trễ hơn vào tuần thứ 4 đến tuần thứ 6. Đây là một biến chứng trầm trọng đòi hỏi sự chăm sóc theo dõi chặt chẽ, tỉ mỉ và điều trị tích cực. Thông thường tiên lượng là xấu.

Biến chứng thần kinh thường xuất hiện sau một thời gian muộn hơn. Liệt khẩu cái cả hai bên và thường liệt vận động, liệt phần mềm của lưỡi gà tuần thứ 3, liệt cơ vận nhãn thường xuất hiện tuần thứ 5, nhưng cũng có thể xuất hiện trong tuần đầu đó là nguyên nhân gây cho bệnh nhân nhìn mờ và lác. Viêm dây thần kinh cơ hoành, gây liệt cơ hoành thường ở tuần thứ 5 đến tuần thứ 7. Liệt các chi hoàn toàn nhưng hiếm gặp. Hầu hết các biến chứng thần kinh sẽ phục hồi hoàn toàn trong nhiều tuần đến nhiều tháng.

Về điều trị: điều trị phải toàn diện, nguyên tắc điều trị là trung hòa độc tố bạch hầu càng sớm càng tốt phối hợp với kháng sinh diệt khuẩn, phát hiện ngăn ngừa các biến chứng, chống tái phát, chống bội nhiễm và chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Những trường hợp khó thở, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để mở khí quản. Ngày trước chủ yếu sử dụng điều trị bằng kháng huyết thanh ngựa nhưng thời gian gần đây loại huyết thanh này không được sản xuất vì bệnh bạch hầu ít người mắc.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại giường, tránh hoạt động mạnh vì bệnh bạch hầu ảnh hưởng đến cơ tim và hệ cơ ở chân tay. Cách ly nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Cần thường xuyên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn để tránh vi khuẩn phát tán.

Nếu đau họng và khó nuốt nên ăn các thức ăn lỏng như cháo hoặc sữa, tránh thức ăn cứng và phải nhai nuốt nhiều.

Sau khi khỏi bệnh, cần phải đi tiêm phòng lại để ngăn ngừa bệnh tái phát. Bạch hầu có thể quay trở lại nếu không tiêm chủng để phòng bệnh.

Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã được triển khai trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1984. Tất cả trẻ em dưới 01 tuổi sẽ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan b - viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib) lúc 2,3 và 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT) khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Việc trì hoãn tiêm chủng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh.

 

BS. Tô Thị Lan Phương / BS. Nguyễn Ngọc Minh

Theo Báo Sức khoẻ & Đời sống

Tin liên quan