Xin chào Quý khách. Hệ thống không nhận diện được thuê bao. Vui lòng truy cập bằng 3G hoặc Đăng nhập tại đây

Vi khuẩn Hib nguy hiểm như thế nào?

4067
Vi khuẩn Hib mới được các bà mẹ “làm quen” trong những năm gần đây sau khi vắc xin phòng bệnh do vi khuẩn này được đưa vào sử dụng. Trước khi được biết đến, Hib đã là thủ phạm gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Có thể bạn quan tâm:

90% ca nhiễm khuẩn nặng do Hib

Haemophilus influenzae là vi khuẩn thường tìm thấy trong mũi họng ở trẻ nhỏ. Vi khuẩn Haemophilus influenzae có 6 týp, trong đó týp b (Hib) gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng. Trong số các ca bệnh nhiễm khuẩn nặng do Haemophilus influenzae, 90%  các trường hợp do Hib gây ra.

Đáng lưu ý, vi khuẩn Hib là một trong các nguyên nhân chính gây viêm phổi nặng, viêm màng não và các bệnh xâm lấn khác ở trẻ dưới 5 tuổi.

 

Kẻ gây bệnh “ẩn mình”

Vi khuẩn Hib lây theo đường hô hấp trực tiếp từ người này sang người khác trong những giọt nước bọt qua ho, hắt hơi. Trẻ bị nhiễm có thể mang vi khuẩn Hib trong mũi và họng mà không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng gì của bệnh nhưng vẫn có thể gây lây bệnh cho người khác.

 

“Nhận diện” bệnh do vi khuẩn Hib

Viêm phổi và viêm màng não là hai thể bệnh thường gặp nhất do vi khuẩn Hib gây ra. Bệnh do vi khuẩn Hib diễn biến nặng thường xảy ra trước khi trẻ đủ 24 tháng tuổi và nguy cơ cao nhất ở trẻ từ 4 đến 18 tháng tuổi.

Tất cả trẻ có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm màng não, viêm phổi cần phải nghĩ đến nguyên nhân do vi khuẩn Hib.

Trẻ bị viêm phổi có triệu chứng sốt, ớn lạnh, ho, thở nhanh và rút lõm lồng ngực. Trẻ em bị bệnh viêm màng não có thể có dấu hiệu sốt, nhức đầu, nhạy cảm với ánh sáng, cứng cổ và đôi khi lú lẫn hay rối loạn ý thức.

 

Biến chứng của bệnh do vi khuẩn Hib

Trẻ nhỏ bị viêm màng não do vi khuẩn Hib có thể để lại di chứng thần kinh vĩnh viễn, tổn thương não, điếc, rối loạn tâm thần, có thể chiếm đến 40% trường hợp.

Bệnh viêm màng não do vi khuẩn dễ gây tử vong cho trẻ nếu không được điều trị kháng sinh sớm. Ngay cả khi được xử trí đúng bằng kháng sinh thì vẫn có từ 3 - 20% số trẻ bị mắc bệnh có thể tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trên thế giới hàng năm có ít nhất 3 triệu trường hợp mắc bệnh nặng và khoảng 386.000 trường hợp tử vong do Hib.

vi-khuan-hib-nguy-hiem-nhu-the-nao-1Tiêm vắc xin phối hợp có thành phần Hib giúp phòng bệnh hiệu quả cho trẻ nhỏ

 

Điều trị bệnh do vi khuẩn Hib như thế nào?

Bệnh do vi khuẩn Hib có thể điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu như Ampicillin, Cotrimoxazole, Cephalosporins và Chloramphenicol. Vi khuẩn Hib có thể kháng một số loại kháng sinh thường sử dụng và đã xuất hiện ở nhiều quốc gia.

 

Phòng bệnh do vi khuẩn Hib như thế nào?

Bệnh có thể chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh (DPT-VGB-Hib): bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib.

Vắc xin phối hợp 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib) sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ khi bắt đầu triển khai tới nay có tên thương mại là Quinvaxem do công ty Berna Biotech, Hàn Quốc sản xuất. Tới nay dự án tiêm chủng đã sử dụng khoảng 41 triệu liều vắc xin Quinvaxem tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi. Vắc xin Quinvaxem được sử dụng an toàn và hiệu quả trong tiêm chủng mở rộng giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em.

Tuy nhiên, hiện nay nhà sản xuất tại Hàn Quốc đã ngừng sản xuất loại vắc xin này, vì thế Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem sang một loại vắc xin 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh để thay thế vắc xin này. Vắc xin được lựa chọn có tên là ComBE Five do Ấn Độ sản xuất, được lưu hành tại Ấn Độ từ năm 2010. Vắc xin ComBE Five đã được ký lưu hành tại Việt Nam (QĐ số 196/QĐ-QLD ngày 30/05/2017) có giá trị trong 5 năm.

Nguồn: Dự án TCMR

Tin liên quan